Theo học tại một trường cao đẳng hay đại học ở Mỹ là mơ ước của nhiều du học sinh, nhưng việc rời xa những người thân yêu có thể là một quyết định thật sự khó khăn. Nếu bạn có người thân đang giữ visa du học F-1, bạn có thể tìm hiểu về visa F-2 để cùng người thân của mình đến Mỹ. Qua bài viết này ERA sẽ giải đáp các thắc mắc của bạn về visa người phụ thuộc F-2 để từ đây bạn có thể lựa chọn hướng đi phù hợp nhất cho tương lai của gia đình.
Visa F-2 người phụ thuộc
Visa người phụ thuộc F-2 là loại visa cho phép người thân của người đang giữ visa du học F-1 chuyển đến Mỹ và sống cùng đương đơn F-1 trong suốt thời gian họ học tập. Loại visa này chỉ dành cho vợ, chồng và con dưới 21 tuổi chưa lập gia đình của người đang du học Mỹ. Tình trạng F-2 không áp dụng cho những người thân khác, chẳng hạn như cha mẹ hoặc anh chị em. Mỗi người phụ thuộc phải được trường của đương đơn F-1 cấp Mẫu I-20 riêng lẻ và phải nộp đơn xin visa F-2.
Nếu người phụ thuộc không có ý định cư trú tại Mỹ liên tục trong suốt thời gian học của du học sinh, nghĩa là họ chỉ đến thăm trong các kỳ nghỉ hoặc lưu trú ngắn hạn, người phụ thuộc có thể chuyển sang nộp đơn xin visa du lịch Mỹ B-1/B-2 hoặc đi du lịch theo Chương trình miễn thị thực.
Điều kiện để xin visa
Để đủ điều kiện xin visa F-2, người nộp đơn phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Là vợ, chồng hoặc con cái dưới 21 tuổi chưa lập gia đình của người giữ visa F-1 còn thời hạn
- Có đầy đủ cơ sở để chứng minh điều kiện tài chính đảm bảo quá trình ở lại Mỹ
Để người phụ thuộc được cấp visa, người sở hữu visa F-1 phải chứng minh được rằng họ có đủ tiền để chăm sóc người phụ thuộc và đủ tiền để chi trả cho việc học tập của bản thân trong thời gian ở Mỹ.
Các cơ quan nhập cư Mỹ sẽ cần đương đơn F-1 chứng minh rằng bản thân có đủ tài chính cho việc đóng học phí, chi phí sinh hoạt và đi lại của cả gia đình, do đó đương đơn F-1 cần phải có những tài liệu chứng minh như sổ tiết kiệm hoặc bản sao kê ngân hàng gần nhất (không quá ba tháng) có ít nhất 13.403 USD (khoảng 335.000.000 VND) cho vợ hoặc chồng và 6.701 USD (khoảng 168.000.000 VND) cho mỗi đứa con.
Thời gian xử lý visa F-2
Thời gian xử lý đơn xin visa F-2 đối với từng trường hợp là khác nhau. Đa số các hồ sơ thường được giải quyết trong từ một đến hai tuần kể từ ngày phỏng vấn, tuy nhiên mốc thời gian này có thể thay đổi tùy từng thời điểm.
Thời hạn của visa F-2
Visa F-2 sẽ có hiệu lực trong suốt thời gian du học sinh F-1 học tại trường. Khi người có visa F-1 hoàn thành chương trình học tập, cả hai sẽ phải trở về nước trong vòng 60 ngày kể từ ngày kết thúc khóa học trừ khi du học sinh F-1 đã nộp đơn và được chấp thuận cho chương trình OPT hoặc STEM OPT. Nếu du học sinh F-1 được gia hạn để ở lại Mỹ, người phụ thuộc có thể ở lại Mỹ cho đến khi kết thúc thời gian gia hạn.
Do tình trạng visa F-2 phụ thuộc vào tình trạng của người giữ visa F-1, do đó bạn cần phải lưu ý về điều này. Các vấn đề có thể khiến du học sinh mất đi tình trạng F-1 bao gồm: không học tập toàn thời gian, không báo cáo các thay đổi về địa chỉ hoặc nơi làm việc, làm việc mà không có giấy phép làm việc (EAD), phạm tội hình sự…
Khi nào bạn được đến Mỹ với visa F-2?
Bạn sẽ không thể nhập cảnh vào Mỹ trước đương đơn F-1. Bạn có thể đến Mỹ cùng lúc với du học sinh hoặc đến sau. Hạn chế này chỉ áp dụng vào lần đầu bạn nhập cảnh bằng visa F-2. Sau lần nhập cảnh đầu tiên, bạn sẽ có thể vào lại Mỹ ngay cả khi không có sự hiện diện của đương đơn F-1.
Quy trình xin visa người phụ thuộc F-2
Theo ERA thì quá trình xin visa F-2 không quá phức tạp. Dưới đây là quy trình nộp đơn đăng ký visa theo các bước cụ thể:
Nhận Mẫu I-20 từ trường của đương đơn F-1
DSO (Designated School Officials – Cố vấn sinh viên quốc tế) của trường thường sẽ chịu trách nhiệm trong việc cấp Mẫu I-20 cho đương đơn F-1 và người phụ thuộc. Do đó, du học sinh cần phải thông báo cho DSO biết về ý định mang theo vợ, chồng và/hoặc con của mình bằng visa F-2. Sau đó du học sinh và những người phụ thuộc sẽ được cung cấp Mẫu I-20 riêng để điền thông tin.
Điền Mẫu DS-160 trực tuyến
Sau khi nhận được Mẫu I-20, bước tiếp theo cần làm là hoàn thành Mẫu DS-160. Hãy nhớ rằng bạn sẽ không thể hoàn thành Mẫu DS-160 nếu không có Mẫu I-20 từ các trường thuộc SEVP (Student and Exchange Visitor Program – Chương trình Sinh viên và Khách trao đổi).
Sau khi điền vào mẫu đơn đăng ký này và gửi đi, bạn sẽ được đưa đến trang xác nhận tạo mã vạch cho đơn đăng ký của bạn. Hãy in đơn xác nhận có chứa mã vạch này và mang theo đến cuộc hẹn phỏng vấn xin visa.
Nộp phí xin visa F-2 người phụ thuộc
Mỗi người phụ thuộc nộp đơn xin visa F-2 sẽ phải trả phí nộp đơn là 185 USD. Khi bạn đã hoàn thành các bước thanh toán, hãy giữ lại biên lai nộp phí để bỏ vào hồ sơ khi phỏng vấn tại lãnh sự quán hoặc đại sứ quán Mỹ.
Lên lịch phỏng vấn xin visa
Sau khi bạn đã hoàn thành đơn visa và thanh toán phí, bước tiếp theo là lên lịch phỏng vấn xin visa tại đại sứ quán hoặc lãnh sự quán Mỹ. Những buổi phỏng vấn xin visa F-2 thường được tổ chức dựa trên cơ sở ai nộp đơn trước được giải quyết trước và có thể được lên lịch trước đó nhiều tháng. Khi bạn hoàn thành việc lên lịch phỏng vấn, thư xác nhận sẽ được gửi đến email của bạn. Bạn cần in giấy xác nhận cuộc hẹn phỏng vấn này và mang theo để xuất trình khi phỏng vấn xin visa.
Sắp xếp và chuẩn bị các tài liệu quan trọng
Việc chuẩn bị tài liệu cho buổi phỏng vấn rất quan trọng. Hãy sắp xếp các biên lai và tài liệu rồi nhóm chúng lại với nhau cho phù hợp. Thiếu sót trong khâu chuẩn bị các tài liệu cần thiết có thể dẫn đến sự chậm trễ và trong trường hợp xấu hơn có thể dẫn đến việc bị từ chối visa. Khi đến buổi phỏng vấn xin visa F-2, bạn sẽ cần mang theo các tài liệu sau:
- Hộ chiếu
- Giấy xác nhận DS-160
- Ảnh nền trắng 5×5
- Đối với con cái của đương đơn F-1: mang theo giấy khai sinh
- Đối với vợ/chồng của đương đơn F-1: mang theo giấy đăng ký kết hôn
- Biên lai thanh toán cho đơn xin visa
- Mẫu đơn I-20
- Bản sao mẫu đơn I-20 của du học sinh F-1
- Bằng chứng về tài chính của bạn như sổ tiết kiệm, xác nhận số dư, sao kê ngân hàng, bảng lương…
Tham dự buổi phỏng vấn visa
ERA khuyến cáo rằng bạn nên đến buổi phỏng vấn trước giờ hẹn 30 phút với các tài liệu đã chuẩn bị sẵn từ trước, bao gồm cả các bằng chứng về khả năng tài chính. Bạn có thể sử dụng tài liệu để hỗ trợ khi trả lời các câu hỏi phỏng vấn, đồng thời đưa ra các bằng chứng cụ thể khi cần thiết.
Lợi ích khi sở hữu visa F-2
- Người có visa F-2 được phép nhập cảnh và ở lại Mỹ một cách hợp pháp miễn là visa F-1 của người thân còn hiệu lực.
- Vợ hoặc chồng của du học sinh có thể tham gia các khoá học mang tính chất giải trí. Ngoài ra, những người phụ thuộc F-2 ở độ tuổi đi học (con cái từ mẫu giáo đến lớp 12) sẽ được theo học các trường K-12 (bậc tiểu học và trung học) công lập với mức học phí tương tự một công dân Mỹ.
- Việc gia hạn thời gian lưu trú được cấp cho du học sinh cũng áp dụng cho người phụ thuộc của họ. Sau khi gia hạn, du học sinh vẫn phải nộp bằng chứng để chứng minh khả năng tài chính của gia đình, cũng như đơn xin gia hạn visa phụ thuộc F-2. Du học sinh sẽ cần phải nộp Mẫu I-539 và cung cấp bằng chứng rằng bạn vẫn có đủ nguồn tài chính để được gia hạn cho hồ sơ của bản thân và cả người phụ thuộc F-2 của mình.
Hạn chế đối với người giữ visa F-2
Visa F-2 chỉ dành cho người phụ thuộc đến Mỹ để sống cùng du học sinh F-1. Có một số hạn chế được đặt ra đối với người phụ thuộc F-2 như sau:
- Người phụ thuộc không thể làm việc tại Mỹ vì họ không xin được giấy phép lao động. Tuy nhiên, họ có thể tham gia vào công việc tình nguyện không được trả lương. Nếu không có giấy phép lao động, người phụ thuộc cũng sẽ không có Số An sinh Xã hội.
- Mặc dù người phụ thuộc có thể tham gia các khóa học nghề hoặc giải trí bán thời gian, nhưng họ sẽ không thể đăng ký học toàn thời gian tại các trường cao đẳng hoặc đại học.
Thay đổi tình trạng visa người phụ thuộc
Công dân nước ngoài đến Mỹ bằng visa F-2 cũng có đủ điều kiện để nộp đơn xin chuyển diện visa. Ví dụ: nếu bạn là người phụ thuộc F-2 và bạn muốn đăng ký học khoá học toàn thời gian tại một trường cao đẳng hoặc đại học ở Mỹ, bạn có thể nộp đơn vào một trường được SEVP phê duyệt và gửi đơn đăng ký để điều chỉnh trạng thái visa của bạn sang F-1. Khi bạn thay đổi trạng thái visa của mình, bạn có thể được phép học tập toàn thời gian tại Mỹ cho đến khi chương trình của bạn hoàn thành. Bạn có thể xin chuyển diện bằng cách nộp Mẫu I-539.
Bạn cũng có thể thay đổi trạng thái visa F-2 sang một loại visa không định cư khác như visa H-1B – visa tạm trú được cấp cho người lao động nước ngoài có tay nghề đến Mỹ làm việc.
Nếu bạn có visa H-1B, bạn có thể ở lại và làm việc tại Mỹ đến sáu năm. Tuy nhiên, bạn cần phải tìm được một nhà tuyển dụng sẵn sàng bảo lãnh bạn để nộp đơn xin visa H-1B.
Những câu hỏi thường gặp
Tôi có thể ở lại Mỹ bao lâu với visa người phụ thuộc?
Bạn có thể ở lại Mỹ lâu dài miễn là người giữ visa F-1 vẫn duy trì tình trạng hợp lệ. Bạn sẽ mất trạng thái visa của mình khi đương đơn chính mất trạng thái F-1.
Tôi có thể làm việc với visa F-2 không?
Câu trả lời là KHÔNG. Bạn không được phép làm việc có lương khi ở Mỹ với visa F-2.
Tôi có thể thay đổi tình trạng với visa người phụ thuộc không?
CÓ, bạn có thể nộp đơn xin thay đổi tình trạng khi đang giữ visa F-2.
Có bất kỳ hạn chế đi lại nào đối với visa người phụ thuộc không?
Không có hạn chế đi lại đối với loại visa này. Bạn có thể đi du lịch Mỹ bất cứ khi nào có thể, miễn là đương đơn du học sinh vẫn duy trì trạng thái hợp lệ.
Thời gian xử lý visa F-2 là bao lâu?
Khoảng một đến hai tuần kể từ ngày phỏng vấn.